Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc trong Hiến pháp


Theo các đại biểu, khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân là thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên trong hệ thống chính trị.


Đại diện Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra trong hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 8-3 đều nhấn mạnh, Hiến pháp cần thể hiện rõ vị trí, vai trò của MTTQ.

Các đại biểu cho rằng, Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung quyền đại diện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân vì vai trò đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ của MTTQ là rất quan trọng.

Cần thể hiện rõ vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong Hiến pháp

Đa số các ý kiến tại hội nghị nêu ra đều hướng đến việc Hiến pháp cần thể hiện rõ vị trí, vai trò của MTTQ trong việc giám sát,

phản biện các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đối với Điều 6, ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An, đề nghị bổ sung: "Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước" vì vai trò MTTQ đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ là rất lớn.

Bên cạnh đó, về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội cũng là nội dung được nhiều đại biểu tập trung đóng góp ý kiến. Các ý kiến cho rằng, cần khẳng định trong Hiến pháp: MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vì giám sát và phản biện xã hội có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, nên tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong dự thảo.

Theo các đại biểu, khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân là thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên trong hệ thống chính trị. Giám sát và phản biện xã hội phải có định chế mạnh mẽ và có văn bản dưới luật quy định.

Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương cho rằng, cần bổ sung MTTQ tham gia xây dựng Đảng, thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng, Đảng viên. Nội dung này phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng là MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng và giám sát hoạt động của các tổ chức Đảng và Đảng viên, phù hợp với việc Bộ Chính trị chuẩn bị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội" và ban hành cơ chế để MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu, cũng cho rằng nếu chỉ ghi là "các cơ quan Nhà nước" thì còn chung chung, thiếu cụ thể trong khi vai trò đại diện của MTTQ đã được thừa nhận tại văn kiện Đảng. MTTQ cần được khẳng định vai trò, vị trí xứng đáng để động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích thành viên, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội.

Nhiều ý kiến đề nghị cần khẳng định trong Hiến pháp: MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị. Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Giao, Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa, cho là nội dung này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011). "MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên trong hệ thống chính trị".

Cùng quan điểm, ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An, đề nghị nên thiết kế một chương riêng quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên để MTTQ có vị trí tương xứng trong hệ thống chính trị.

Cùng ý kiến, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai cũng cho rằng phải giữ cho được vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có như vậy, MTTQ mới có vị trí thực tế trong xã hội, là bộ phận trong hệ thống chính trị. "Hiến pháp cần có những định chế mạnh mẽ hơn về giám sát và phản biện xã hội; đi liền theo đó là các văn bản dưới luật quy định ngay từ đầu".

Q.Minh-H.Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét